Hiện nay phát triển công nghệ cao ở các trường đại học, viên nghiên cứu vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu phát triển của thực tế. Tuy nhiên, tiềm năng của ngành Lâm nghiệp còn rất lớn, đã và đang đặt ra các yêu cầu và thách thức phát triển công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong nghiên cứu đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu.
Hội thảo “Định hướng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp” do trường Đại học Lâm nghiệp (Hà Nội) phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức ngày 12/11 thu hút hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo dục, các sở ban ngành từ nhiều tỉnh/ thành phố, các doanh nghiệp… nhằm đề xuất những giải pháp cho vấn đề trên.
Chiến lược phải đi cùng đầu tư cơ sở vật chất
Khai mạc hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đã phát biểu đề dẫn và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp: công nghệ cao đã được ứng dụng ở nhiều khâu trong chuỗi giá trị lâm nghiệp và ngày càng trở thành một nhân tố quan trọng trong quản lý và phát triển của ngành lâm nghiệp.
GS.TS Phạm Văn Điển khẳng định: “Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng, đặc biệt trong khâu giống là yêu cầu cấp thiết của ngành lâm nghiệp. Từ sản xuất, quản lý giám sát, chế biến, tiêu thụ đến tiêu dùng đều có thể ứng dụng kỹ thuật số như ứng dụng phần mềm, theo dõi, giám sát quá trình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Các quá trình sản xuất lâm nghiệp có thể tự động hóa ở nhiều khâu, qua đó giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí. Hiện nay công nghệ cao, công nghệ 4.0 sẽ không những hỗ trợ quản lý vĩ mô mà còn lưu trữ dữ liệu vi mô (từng cá thể) trên mạng internet và chia sẻ nguồn dữ liệu cho nhiều người cùng sử dụng, thông qua các thiết bị kết nối với internet.
Công nghệ cao hỗ trợ công khai, minh bạch hóa quá trình sản xuất – chế biến – tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc, công khai quy trình công nghệ áp dụng, tiêu chuẩn chất lượng đạt được đến mức độ nào, thông qua điện thoại thông minh kết nối với các thiết bị trợ giúp dự tính, dự báo các rủi ro thiên tai (sạt lở đất), nạn chặt phá rừng, bảo tồn động vật quý hiếm, truy xuất nguồn gốc gỗ, theo dõi tăng trưởng của cây lâm nông nghiệp. Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần tăng hiệu quả của chuỗi sản xuất và thương mại hóa sản phẩm”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp dẫn chứng, đối với ngành công nghiệp chế biến gỗ, trước năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ của các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có nền sản xuất công nghệ cao, hiện đại) chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Từ năm 2016, 2017 kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đã tăng lên, chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu nhờ đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao.
GS.TS Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp cũng nhấn mạnh: “Phát triển công nghệ cao là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại cũng như cuộc cách mạng 4.0 và từ đó sẽ làm thay đổi phương thức quản lý, tổ chức sản xuất, nghiên cứu, ứng dụng, thị trường sản phẩm. Xác định được tầm quan trọng và tính cấp thiết của ứng dụng công nghệ cao, với sự chỉ đạo của các Bộ ngành, các trường đại học trọng tâm về lâm nghiệp đã thực hiện chiến lược, lộ trình trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao”.
Ông Chứ cho hay, ĐH Lâm nghiệp đã xây dựng “Định hướng hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2018-2025” với mục đích xây dựng và phát triển trường thành một trung tâm khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường, chế biến lâm sản phòng chống và giảm nhẹ thiên tài góp phần vào sự bền vững kinh tế – xã hội của đất nước, nâng cao giá trị gia tăng của ngành lâm nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành.
Chiến lược này đã từng bước đem lại hiệu quả thực tiễn, trong đó tập trung vào vào 3 lĩnh vực chính là ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại vào chọn tạo giống, nhân giống cây lâm nghiệp và ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra quản lý tài nguyên rừng; công nghệ chế biến lâm sản.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại hội thảo cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển công nghệ cao tại các trường đại học, viện nghiên cứu vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế cũng như tiềm năng của ngành lâm nghiệp nước nhà. Nguyên nhân chủ yếu là do để nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao hiệu quả cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư cơ sở vật chất.
TS. Phí Hồng Hải – Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nhấn mạnh đến việc đầu tư cơ sở vật chất ở các trường đại học, viện nghiên cứu để tạo tiền đề thuận lợi trong ứng dụng công nghệ cao vào phát triển lâm nghiệp.
“Một giải pháp quan trọng là tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu trọng điểm chuyển giao công nghệ: Giống cây lâm nghiệp chế biến gỗ công nghệ cao, thiết kế đồ gỗ thông minh, trung tâm quốc gia kiểm định chất lượng sản phẩm lâm nghiệp. Xây dựng trung tâm ứng dụng viễn thám và GIS trong lâm nghiệp. Những trung tâm này thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp, đào tạo sau đại học, trao đổi học thuật với các chuyên gia quốc tế trong phát triển khoa học và công nghệ”, ông Hải nói.
Doanh nghiệp khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao về lâm nghiệp
Cùng với cơ sở vật chất, vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng cần thiết. PGS.TS Vũ Huy Đại (ĐH Lâm nghiệp) nhấn mạnh rằng, thế hệ trẻ với năng lực chuyên môn và hiểu biết về khoa học công nghệ mới sẽ là người tiếp tục tạo nên kỳ tích, bước phát triển trong lâm nghiệp nhờ công nghệ cao. Ông trình bày thực trạng nguồn kỹ sư, nhà nghiên cứu về lâm nghiệp chưa đáp ứng chất lượng tại các trường đại học, viện nghiên cứu.
“Muốn việc ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả, chúng ta cần xây dựng đội ngũ cán bộ KHCN tại các viện nghiên cứu/ trường đại học trong lĩnh vực lâm nghiệp có tâm huyết, đủ năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cao mang tính chuyên môn hóa cao, có kinh nghiệm thực tiễn có kỹ năng làm việc độc lập trong môi trường quốc tế. Đặc biệt, chú trọng xây dựng đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành cho các lĩnh vực khoa học trọng điểm của ngành lâm nghiệp như: giống cây lâm nghiệp, chế biến gỗ và lâm sản, giám sát tài nguyên rừng công nghệ cao”, ông Đại chia sẻ.
Việc đào tạo đội ngũ cán bộ KHCN trẻ có trình độ chuyên môn cao sẽ tạo cơ sở hình thành nhóm nghiên cứu mạnh trên một số lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến cho một số lĩnh vực trọng điểm của ngành. Muốn vậy, các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao KHCN cần điều tra nắm bắt được những yêu cầu cụ thể đang đặt ra về kỹ thuật, công nghệ cao trong từng lĩnh vực để có thể nghiên cứu, phối hợp chuyển giao công nghệ đào tạo tập huấn.
Tham dự hội thảo, nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ bày tỏ băn khoăn về vấn đề nhân lực, nhất là lực lượng lao động trẻ và có trình độ cao phục vụ trong ngành chế biến gỗ – đang rất khan hiếm. Các trường đại học, viện nghiên cứu chính là nơi đóng vai trò quan trọng để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực này cho các doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp tuyển lao động vào phải đào tạo lại rất lãng phí…
“Chúng tôi sẵn sàng trả lương và hỗ trợ kinh phí để nhà trường hợp tác trong đào tạo nhân lực, nhất là nghiên cứu các ứng dụng công nghệ trong chế biến gỗ” – giám đốc một doanh nghiệp chế biến gỗ đến từ Nam Định cho biết.
TS. Lý Hoàng Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ công nghệ cao (Bộ KH&CN) kiến nghị việc xây dựng thư viện điện tử về cơ sở dữ liệu KHCN, các công trình nghiên cứu KHCN trong và ngoài nước để đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, rà soát, sắp xếp lại, tăng cường đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động các phòng thí nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
GS.TS Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, giải pháp xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích ứng dụng, chuyển giao thành tựu KH-CN ở các trường đại học cũng cần được chú trọng. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là những người có ý tưởng công nghệ mới, có mô hình kinh doanh sáng tạo và chấp nhận rủi ro để đưa những sản phẩm, dịch vụ lâm nghiệp ra thị trường.